Liệu pháp Ý nghĩa – Logotherapy

Rate this post

Liệu pháp Ý nghĩa (Logotherapy) được phát triển bởi Nhà thần kinh học và Bác sĩ Tâm thần Viktor Frankl. Nó được xem là “Trường phái thứ 3 của Tâm lý Trị liệu tại Vienna”, cùng với Phân tâm học của Freud và Tâm lý Cá nhân của Adler.

Bài viết này được tôi nghiên cứu và phác thảo trong bối cảnh đang là một Nhà thực hành, Nhà đào tạo NLP. Đứng từ góc độ NLP tham khảo và nghiên cứu các Liệu pháp vào Coaching, không nhằm mục đích trình bày một cách chi tiết và hướng dẫn người khác làm theo dưới góc độ học thuật Tham vấn và Trị liệu Tâm lý, lưu ý trước khi đọc!

Trong các kỳ trước tôi đã giới thiệu về 2 liệu pháp hiện đại và nổi tiếng là Lập trình Ngôn ngữ Tư duyLiệu pháp Dòng Thời gian & Liệu pháp Thôi miên, bạn có thể tham khảo trước khi bắt đầu Liệu pháp này.

Liệu pháp Ý nghĩa được lấy từ một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, từ “logo” có nghĩa là “ý nghĩa”, được định nghĩa là một cách thức điều trị một bệnh lý hoặc một điều chỉnh không thích hợp. Liệu pháp là một sự theo đuổi ý nghĩa sống của một con người. Lý thuyết của Frankl bị ảnh hưởng lớn bởi những trải nghiệm cá nhân của ông về đau khổ và mất mát trong các trại tập trung của Đức quốc xã.

Liệu pháp Ý nghĩa dựa trên Phân tích Hiện sinh, tập trung vào Ý chí của Kierkegaard với ý nghĩa trái ngược học thuyết Nietzschean của Adler về ý chí quyền lực hay ý chí của Freud về niềm vui. Thay vì tập trung vào quyền lực hay niềm vui, Liệu pháp Ý nghĩa được xây dựng dựa trên niềm tin rằng, có một nỗ lực tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống, nó là động lực thúc đẩy chính yếu dẫn dắt sức mạnh con người.

Trong quyển sách nổi tiếng, gắn liền tên tuổi với Viktor Frankl – Đi tìm lẽ sống, ông đã mô tả cách thức những lý thuyết của ông có thể giúp đỡ người khác sóng sót trong kinh nghiệm Holacaust và làm thế nào kinh nghiệm đó được tiếp tục phát triển, cũng cố. Hiện nay, trên thế giới có không ít các Viện Tâm lý về Liệu pháp Ý nghĩa của ông được xây dựng nên.

Câu nói nổi tiếng của Bác sĩ Viktor Frankl

Vài dòng lịch sử về Victor Frankl

Bạn đọc có thể tìm thấy ở chương 1 của quyển sách Đi tìm lẽ sống về câu chuyện hào hùng và bi thương của Frankl trong 3 trại giam của Đức quốc xã, từ đó sẽ hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của tác phẩm và vì sao nó lại nổi tiếng đến như vậy.

Cuộc đời của Viktor Frankl trải dài gần hết thế kỷ 20, từ lúc ông sinh ra vào năm 1905 đến khi ông mất vào năm 1997. Từ lúc 3 tuổi, ông đã quyết định sẽ trở thành một y sĩ. Trong tiểu sử của mình, ông bộc bạch rằng ngay từ lúc còn trẻ ông đã “thỉnh thoảng nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Nhất là về ý nghĩa của một ngày sắp tới và ý nghĩa của nó đối với tôi”.

Đến tuổi vị thành niên, Frankl đã đam mê triết học, tâm lý học thực nghiệm và phân tâm học. Để bổ sung thêm kiến thức cho các lớp bậc trung học của mình, ông đã tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức và bắt đầu trao đổi qua lại bằng thư từ với Sigmund Freud, đưa tới việc Freud đã nộp bản thảo của Frank cho Tạp chí phân tâm học quốc tế (International Journal of Psychoanalysis). Bài viết đã được chấp nhận và xuất bản sau đó. Cũng cùng năm đó, khi 16 tuổi, Frankl đã tham dự một hội thảo chuyên đề nằm trong chương trình bồi dưỡng chuyên môn về triết học. Vị giáo sư hướng dẫn đã nhận ra tài năng hiếm có của Frankl nên đã mời ông cùng thuyết giảng về ý nghĩa cuộc sống. Frankl đã nói với khán giả rằng: “Chính chúng ta phải tự trả lời câu hỏi mà cuộc sống hỏi ta, và trước những câu hỏi đó, chúng ta chỉ có thể trả lời bằng cách chịu trách nhiệm cho chính sự tồn tại của mình”. Niềm tin này trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống và định hình lý tưởng nghề nghiệp của Frankl.

Chịu ảnh hưởng từ một số quan điểm của Freud, khi còn là học sinh trung học, Frankl đã quyết định sau này sẽ trở thành bác sĩ thần kinh. Một người bạn học từng nói với Frankl là ông được phú cho khả năng giúp đỡ những người khác, như được tiếp thêm động lực, Frankl bắt đầu nhận ra rằng ông không những có khả năng chuẩn đoán các vấn đề về thần kinh mà còn có khả năng tìm ra động lực thúc đẩy con người.

Công việc tham vấn tâm lý đầu tiên của Frankl hoàn toàn do ông khởi xướng – ông đã sáng lập ra chương trình tham vấn tâm lý riêng dành cho giới trẻ đầu tiên ở thủ đô Vienna, Áo. Từ 1930-1937, ông là bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đại học Y ở thủ đô Vienna, chuyên chăm sóc các bệnh nhân đã từng tự tử. Ông tìm cách giúp các bệnh nhân của mình tìm ra con đường khiến cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn, cho dù họ mắc phải căn bệnh trầm cảm hoặc tâm thần. Năm 1939, ông trở thành trưởng khoa thần kinh tại bệnh viện Rothschild -bệnh viện Do Thái đầu tiên ở Vienna.

Trong những năm đầu chiến tranh, công việc của Frankl tại Rothschild đã giúp ông và gia đình được bảo vệ khỏi nguy cơ bị trục xuất. Tuy nhiên, khi bệnh việc bị chính quyền phát xít đóng cửa, Frankl nhận ra rằng họ có nguy cơ lớn bị đưa đến trại tập trung. Năm 1942, đại sứ quán Mỹ ở Vienna thông báo rằng ông được cấp thị thực định cư ở Mỹ. Mặc dù thoát khỏi Vienna sẽ giúp ông hoàn thành cuốn sách về liệu pháp ý nghĩa, nhưng ông đã quyết định huỷ bỏ thị thực: ông cảm thấy mình nên ở lại Vienna vì cha mẹ già. Tháng 09 năm 1942, Frankl và gia đình bị bắt và bị trục xuất. Ông đã trải qua 4 trại tập trung trong suốt 3 năm – Theresienstadt, Auschwitz-Birkenau, Kaufering và Türkheim, một bộ phận của trại Dachau.

Các thành phần của Triết lý Frankl

Liệu pháp Ý nghĩa dựa trên tiền đề rằng, con người được định hướng để tìm ra một ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Theo Frankl, ý nghĩa cuộc sống có thể được phát triển theo 3 cách khác nhau:

  1. Bằng cách tạo ra một tác phẩm hoặc hoàn thành một số nhiệm vụ;
  1. Bằng cách trải nghiệm điều gì đó một cách đầy đủ hoặc yêu thương ai đó;
  1. Bằng thái độ mà người đó chấp nhận đối diện với những nỗi đau không thể tránh khỏi.

Frankl tin rằng, đau khổ là một phần của cuộc sống, và sự tự do cuối cùng của con người là khả năng chọn lựa cách phản ứng với bất kỳ một tình huống nào, ngay cả những đau đớn nhất. Ngoài ra, mọi người có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ bằng cách xác định các vai trò đặc biệt mà chỉ họ mới có thể hoàn thiện. Ví dụ, khi một người đàn ông hỏi Frankl về việc ông ta đau khổ, trầm cảm nghiêm trọng sau cái chết của vợ người đàn ông đó, Frankl đã hỏi ông, điều gì sẽ xảy ra nếu ông chết trước vợ mình và liệu vợ ông có buộc phải than khóc cái chết của ông. Người đàn ông đó đã nhận ra rằng nỗi đau của chính mình đã cứu vợ mình khỏi trải nghiệm đó, từ đó trở thành yếu tố chữa bệnh và giúp người đàn ông giảm bớt trầm cảm.

Kỹ thuật Liệu pháp Ý nghĩa

3 kỹ thuật chính của Liệu pháp này là:

1. Phản chiếu ngược (De-reflection): Phản chiếu ngược được sử dụng khi một người quá “ngập lụt” trong vấn đề của mình hay việc quá muốn đạt được mục tiêu. Bằng cách hướng sự chú ý, hay Phản chiếu ngược sự chú ý ra khỏi cái tôi, người đó có thể có được suy nghĩ toàn thể hơn là chỉ bản thân mình.

Một phụ nữ trẻ gặp Frankl và than về sự lãnh cảm của mình. Tiền sử bệnh cho thấy lúc trẻ cô đã bị người cha lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, không phải sự cố đau lòng này gây ra sự rối loạn tình dục của cô như mọi người thường suy đoán. Hoá ra, qua việc đọc các tác phẩm phân tâm học nổi tiếng, người bệnh đã sống chung với cảm giác sợ hãi rằng quá khứ đau buồn kia sẽ lại xảy ra một ngày nào đó. Sự lo lắng trước kỳ hạn này khiến cô ấy quá tập trung vào việc xác định tính nữ của mình và quá chú ý vào cảm xúc bản thân hơn là vào người bạn tình. Điều này đủ khiến bệnh nhân không thể đạt tới khoái cảm bởi vì sự khoái cảm là đối tượng mong muốn của cô ấy; trong khi lẽ ra cô ấy nên duy trì tác dụng tự nhiên của sự dâng hiến và hoà hợp với người bạn tình. Sau khi trải qua việc trị liệu ngắn hạn với Liệu pháp Y nghĩa, sự tập trung và mong muốn quá mức của bệnh nhân về khả năng đạt tới khoái cảm đã được “xoá mờ” để đưa ra một khái niệm Liệu pháp Ý nghĩa khác. Khi cô ấy tập trung sự chú ý của mình vào một đối tượng đúng đắn khác, ví dụ như người bạn tình, thì sự khoái cảm sẽ tự động xuất hiện liên tục.

2. Ý định nghịch lý hay suy nghĩ đảo nghịch: Ý định nghịch lý được sử dụng khi một người quá tự lo lắng và có khả năng biến điều mà một người lo sợ thành sự thật, và rằng sự mong muốn quá mức một điều nào đó sẽ khiến cho một người không thể đạt được điều đó.

Một bác sĩ trẻ nhờ Frankl tư vấn vì anh ấy bị chứng sợ đổ mồ hôi. Lúc nào anh ấy cũng lo rằng minh sẽ đổ mồ hội ào ạt và chính sự lo lắng này khiến anh ấy ướt đẫm mồ hôi. Để cắt đứt vòng luẩn quẩn này, Frankl yêu cầu bên nhân rằng khi bị đổ mồ hôi, anh ấy cứ tự nhiên để cho mọi người biết mình có thể đổ mồ hôi nhiều như thế nào. Kết quả là sau khi phải chịu đựng chứng bệnh khó chịu ấy suốt 4 năm, chỉ sau một tuần điều trị, anh ấy đã không còn phải bận tâm về nó nữa.

3. Đối thoại kiểu Socrat: Đối thoại kiểu Socrat là một ký thuật trong đó một Nhà Trị liệu Liệu pháp ý nghĩa sử dụng từ ngữ của người đó như là một phương pháp tự khám phá. Bằng cách lắng nghe chăm chú những gì người đó nói, Nhà trị liệu có thể chỉ ra những mô thức từ ngữ cụ thể, hoặc các giải pháp ngôn từ cho khách hàng và để cho khách hàng nhìn thấy ý nghĩa mới trong họ. Quá trình này cho phép một người cảm nhận rằng câu trả lời nằm bên trong và chỉ chờ được khám phá.

Điều kiện điều trị bằng Liệu pháp Ý nghĩa

Liệu pháp Ý nghĩa được hình thành dựa trên niềm tin rằng nhiều bệnh tật hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần thực sự là do nỗi lo lắng hiện hữu. Thông qua công việc của mình, Frankl nhận thấy rằng mọi người phải vật lộn với cảm giác vô nghĩa, một tình huống mà ông gọi là trạng thái chân không, Liệu pháp Ý nghĩa có thể được sử dụng để điều trị một loạt các vấn đề tồn tại trong tự nhiên. Cụ thể hơn, Liệu pháp Ý nghĩa đã cho thấy sự hiệu quả trong việc điều trị các chứng lạm dụng chất kích thích, căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm và lo lắng.

Phê bình về Liệu pháp Ý nghĩa

Từ một trong những nhận xét về Liệu pháp Ý nghĩa của Rollo May, người được coi là Nhà sáng lập phong trào hiện sinh ở Hoa Kỳ. Có thể cho thấy Liệu pháp Ý nghĩa là khá độc đoán, vì nó cho rằng có những giải pháp rõ ràng cho tất cả các vấn đề và rằng Frankl cung cấp cho những người sử dụng Liệu pháp này một ý nghĩa nếu họ không thể tìm thấy chúng. Frankl đã nhận thức được những lời chỉ trích của May và bác bỏ ý tưởng rằng liệu pháp Ý nghĩa phải chịu trách nhiệm cho các cá nhân. Ông nhấn mạnh rằng Liệu pháp Ý nghĩa giáo dục con người (thông qua quá trình trị liệu) học cách chịu trách nhiệm của chính mình.

Đào tạo kết hợp Team-building

Tài liệu tham khảo:

  1. Tiểu sử Victor Frankl Institut.
  1. Bulka, R.P (1978) Liệu pháp Ý nghĩa có độc đoán? Tạm chí Tâm lý Nhân văn, 18 (4), 45-54.
  1. Frankl, V.E. (1959). Đi tìm lẽ sống.

Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

- Quà tặng Miễn Phí -spot_img

BÀI VIẾT MỚI NHẤT