Trước khi đi vào một quy trình đầu tiên về mục tiêu, tôi muốn thảo luận về Công thức để có một mục tiêu chuẩn, đó là Mục tiêu Thông Minh (SMART Goal).

Đối với nhiều người kinh doanh, giới văn phòng thì SMART không còn xa lạ, nhưng tôi muốn trình bày ở đây là bởi vì, không phải 100% người đặt mục tiêu đều biết về nó.
SMART có nhiều biến thể như SMARTER, SMARTS dựa trên 5 ký tự S, M, A, R, T, người ta bổ xung thêm cho nó các tiêu chuẩn mà hình thành các biến thể. Nhưng điều đó không quan trọng lắm, miễn là bạn nắm được các quy tắc mà 5 ký tự trên mang lại, tức là bạn đã có sức mạnh cho việc đạt các mục tiêu của mình, bước đầu tiên biến bất kỳ điều gì thành sự thật.
Chữ cái đầu tiên là S, viết tắt của từ cụ thể (specific), mục tiêu đặt ra đã cụ thể chưa.
“Tôi muốn giàu có” khác với “tôi muốn có 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng”, “tôi muốn mối quan hệ tốt đẹp” khác với “tôi muốn có 5 người bạn thân chia sẻ buồn vui khi tôi cần”.
Cụ thể ở đây tức là bạn có thể hiểu rõ chi tiết những gì bạn muốn, càng cụ thể bao nhiêu bạn càng có thể sở hữu nó và nhìn thấy nó khi nó xuất hiện.
Ở đây, tôi muốn lấy một ví dụ của may mắn. Trong quyển sách “Bí mật của may mắn” của hai tác giả Alex Rovira và Fernando Trías de Bes, Alex và Fernando có đề cập: “May mắn gõ cửa chúng ta hàng ngày, nhưng chúng ta lại không nghe thấy, chúng ta đã không mở cửa mời chúng vào, vì vậy mà chúng ta không nhận ra may mắn trong cuộc đời”.
Nhưng bạn có nhớ đến một lần bạn chờ đợi một người thân, họ hàng đến thăm bạn, bạn quá hào hứng đến mức bất kỳ tiếng động nào bạn cũng nghĩ là họ đang gõ cửa và mỗi lần bạn nghe thấy tiếng động nhỏ ở cánh cửa bạn đều chạy ra để kiểm tra?
May mắn, hay mục tiêu ở đây chúng ta đang nó cũng tương tự nhau, nếu bạn biết điều gì sắp sửa xảy đến, bạn nhất định sẽ có thể quan sát từng cử động nhỏ nhất và nhận biết điều gì đang xảy đến. Đặt mục tiêu cụ thể giúp bạn quan sát tinh tế hơn những gì sắp xảy đến với bạn, từ đó có thể mở cánh cửa để đón chúng vào.
Tiếp theo là chữ M, viết tắc của từ đo lường được (measurable). Mục tiêu phải là thứ đo lường được, bằng con số hay một đơn vị tính.
“Tôi muốn thu nhập cao” khác với “Tôi muốn thu nhập 50 triệu/tháng”, “Tôi muốn giảm cân” khác với “Tôi muốn giảm 10kg trong tháng này”.
Đo lường được chính là yếu tố thứ hai giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình, khi dùng con số cụ thể, trí não mình mới phân biệt được điều mà nó muốn và từ đó lên kế hoạch để đạt được nó.
Ký tự thứ ba chúng ta tìm hiểu đến là A – achievable (khả thi). Khả thi mà ta nói ở đây là khả thi đối với người đặt mục tiêu. Ví như thay đổi thế giới, trở nên giàu có ngay tuần sau hay giảm cân 15kg trong tháng tới. Tất cả những ví dụ đó sẽ không có ý nghĩa vì nó có thể khả thi với bạn nhưng lại không khả thi với người khác. Không sao cả, miễn mục tiêu của bạn, bạn nghĩ rằng bạn có thể thì đó đã là khả thi rồi.
Có một câu chuyện nổi tiếng về kinh doanh mà tôi muốn chia sẻ với bạn:

Ở một ngôi làng nhỏ, bên cạnh một thung lũng rất đẹp, có hai người bạn thân tên là Pablo và Bruno. Cả hai đều còn rất trẻ và luôn luôn mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân. Họ thường bàn bạc với nhau, làm sao để có thể trở thành người thành đạt nhất trong làng. Họ không ngại khó khăn và luôn luôn tìm kiếm những cơ hội để thực hiện những ước mơ của mình.
Và cuối cùng thì cơ hội đã đến. Người đứng đầu ngôi làng quyết định thuê hai người để đi xách nước từ con suối trên đỉnh ngọn núi cao về cho làng. Họ sẽ được trả công dựa trên số lượng nước mà họ mang về.
Pablo & Bruno hào hứng bắt tay ngay vào công việc, hàng ngày từ sáng đến tối họ cùng nhau xách nước từ con suối về làng. Họ làm việc chăm chỉ hàng ngày, buổi tối họ trở về nhà với tiền công của ngày hôm đó.
Bruno thật hài lòng với công việc và số tiền mà anh ta kiếm được. Anh ta tin chắc rằng với công việc này anh ta có thể đạt được những gì anh ta mong muốn. Bruno nghĩ rằng để tăng thêm thu nhập của mình, anh ta sẽ dùng những xô nước lớn hơn cho mỗi chuyến. Anh ta cho rằng với nguồn thu nhập lớn hơn anh ta có thể mua được một con bò và ngôi nhà mà anh ta mơ ước.
Pablo thì không hài lòng với công việc của mình. Sau một ngày làm việc, anh ta cảm thấy rất mệt mỏi và đau tay. Anh ta cảm thấy kiệt sức, vì thế anh ta bắt đầu nghĩ ra cách khác để kiếm được nhiều tiền hơn. Và một sáng kiến đã lóe lên trong đầu của Pablo. Anh ta sẽ xây dựng một hệ thống ống dẫn nước từ con suối trên đỉnh núi cao về cho làng. Với hệ thống này, anh ta có thể mang được nhiều nước hơn về cho làng mà không cần phải đi xách nước hàng ngày. Anh ta rất phấn khởi với sự sáng kiến của mình và bắt tay ngay vào công việc.
Pablo chia sẻ sáng kiến này với Bruno, và mời Bruno chung sức để xây dựng một hệ thống. Bruno nghĩ rằng ý tưởng này thật điền rồ. Tất cả những gì Bruno có thể nghĩ đến là làm sao để kiếm được nhiều tiền và mua được nhiều thứ hơn. Anh ta nghĩ rằng xây dựng một hệ thống sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của anh ta, và sẽ khiến anh ta chậm đi đến mục đích của mình. Ngược lại, Bruno vẫn dùng những xô nước lớn hơn và đi lại nhiều lần hơn để xách nước. Anh ta tin chắc rằng với cách này, anh ta sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Pablo quyết định kế hoạch xây dựng đường ống một mình. Anh ta hiểu rằng, đó không phải là điều dễ dàng và có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Nhưng anh ta vẫn tin tưởng vào kế hoạch của mình. Hàng ngày, anh ta vẫn đi xách nước như trước nhưng vào những ngày cuối tuần và những lúc rảnh rỗi anh ta làm việc cật lực để xây dựng hệ thống của mình. Mọi người trong làng đã cười nhạo Pablo.
Trong khi đó thì nguồn thu nhập của Bruno đã tăng lên rất đáng kể. Anh ta đã mua được con bò và căn nhà mà anh ta từng mơ ước. Điều kiện cuộc sống của anh ta cũng đã thay đổi. Mỗi ngày, anh ta thường đến các quán bar để xả hơi sau những giờ xách nước mệt mỏi. Điều mà anh ta không nhận ra đó là cơ thể của anh ta đã ngày càng trở nên mệt mỏi bởi những xô nước lạnh. Anh ta trông già hơn và cơ thể trở nên mệt mỏi hơn … vì thế anh ta ngày càng phải xách nước ít đi.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, Pablo vẫn tiếp tục làm việc và cuối cùng thì đã hoàn thành hệ thống dẫn nước. Anh ta liền dùng hệ thống của mình để dẫn nước về làng. Anh ta đã không cần phải xách nước hàng ngày, anh ta kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết. Nước vẫn tiếp tục chạy về trong khi Pablo đang ngủ. Từ bây giờ trở đi, nguồn thu nhập của anh ta sẽ được đảm bảo và duy trì miễn sao là nước được chạy qua hệ thống của anh ta.
Bạn thấy đấy, việc vác những thùng nước là khả thi với Bruno nhưng với Pablo và việc xây dựng hệ thống dẫn nước thì ngược lại. Và khi đặt mục tiêu lớn, hãy nghĩ về tính khả thi của nó, đôi lúc người khác nghĩ bạn thật điên rồ, nhưng nếu bạn tin vào nó thì sớm hay muộn mục tiêu đó cũng thành sự thật.
Relevant – tính liên quan (có một số tài liệu là Realistic – thực tế, nhưng tôi thích chữ Relevant hơn). Tính liên quan ở đây chỉ là liên quan đến người đặt mục tiêu, bạn có phải là người đặt ra và tự duy trì?
Nhiều năm làm công việc coaching cho khách hàng, tôi nhận ra có nhiều mục tiêu không xuất phát từ người đặt, “Mục tiêu của em là thi vào trường Sư phạm TP. HCM” với lý do là ba mẹ em muốn vậy, em không thể làm khác đi được. Hoặc, “Mục tiêu của tôi là kiếm 10 khách hàng trong tháng này”, sếp tôi muốn thế!.
Nếu nó không phải là mục tiêu của người đặt thì tôi dám nói rằng, mục tiêu đó có thể rơi vào 1 trong 3 trường hợp:
- Mục tiêu quá sức của người đặt ra nó.
- Mục tiêu quá đơn giản do khả năng người đặt còn cao hơn thế.
- Mục tiêu vừa với khả năng nhưng hiếm khi xảy ra.
Nếu bạn là người đặt mục tiêu, hãy là người đưa ra mong muốn của mình, đừng để bất kỳ ý kiến của ai áp đặt lên bạn, áp đặt tức là người khác muốn bạn làm điều mà bạn muốn, hãy chính là người đưa ra mục tiêu của mình, khi đấy bạn mới chính là chủ nhân của nó và có đủ động lực để đạt được nó.
Cuối cùng là T – timely (có thời gian). Mục tiêu sẽ mãi là mơ ước nếu nó không có ngày giờ đạt được. Nhiều người bỏ qua yếu tố này trong lúc đặt mục tiêu, để rồi như con thuyền trôi dạt trên đại dương, không có hướng mà cũng không biết ngày giờ trôi qua thế nào, đi về đích thì cả thủy thủ đoàn đều đã kiệt sức.
Hãy cho mình một thời hạn để đạt được mục tiêu đó, chính thời hạn là cột mốc đánh dấu sự thành công và quá trình chuyển tiếp sang một mục tiêu khác. Cũng ví như câu chuyện của rùa và thỏ, vì thỏ không có ý niệm về việc đến đích trong một khoảng thời gian nhất định mà chú ta mải mê đuổi bướm hái hoa, thậm chí còn ngủ lại trên đường đến với đích. Rùa kia chậm chạp nhưng biết mình, từng bước chân, cậu ta đều nghĩ về đích đến, cậu có một mục tiêu cụ thể và thời hạn đạt được nó rõ ràng. Từng bước, từng bước một, rùa đã biến mục tiêu thành sự thật và chiến thắng được loài động vật nhanh nhẹn như thỏ.
Vậy không quan trọng chúng ta sinh ra đã là thỏ hay là rùa, mà quan trọng nhất là ta làm gì với cuộc đời mình mỗi khoảnh khắc, để nó trôi qua và mải mê với những thứ bộn bề xung quanh hay chọn cho mình từng bước tiến cụ thể, từng mục tiêu rõ ràng và lao về phía trước như một mũi tên xuyên đích. Tất cả chỉ là do sự lựa chọn.
Chúc mừng bạn, viên gạch đầu tiêu đã được đặt lên khi bạn đã có một mục tiêu cụ thể – đo lường được – khả thi – liên quan bản thân – có thời gian. Còn chờ gì nữa để hành động đạt được nó.
Nhưng có người lại bảo rằng, tôi đã đặt ra hàng chục mục tiêu cho cuộc đời mình theo SMART nhưng tôi vẫn không đạt được nó, có một điều gì sai ở đây. Nếu bạn là một trong những người giống vậy, hãy tiếp tục tìm hiểu 9 quy tắc để kiểm duyệt một lần nữa mức độ khả thi của mục tiêu mình, làm thế nào để biết mục tiêu của mình là hoàn toàn khả thi và luôn có thể đạt được.

Hết phần 3
(còn nữa)
Tác giả: Ngô Duy Kha