5 Sai lầm ngớ ngẩn của Tân binh trong Coaching

Rate this post

5 Sai lầm ngớ ngẩn của Tân binh trong Coaching

Trong sự nghiệp coaching và training (huấn luyện và đào tạo) của mình, tôi đã biết đến nhiều coach cũng như đào tạo giúp đỡ nhiều người cải thiện cuộc sống. Hành trình đó không phải đơn giản, mà đôi lúc phải nói, tôi đã dành 02 năm để kiếm tìm và tiếp tục 03 năm để trải nghiệm đến thời điểm hiện tại. Đi từ con số 0 tròn trĩnh đến Nhà đào tạo cấp chứng nhận quốc tế, tôi nhận ra một số sai lầm đáng xấu hổ ở bản thân, đôi lúc phải đánh đổi bằng “máu và nước mắt” và cũng của nhiều người mà tôi quan sát được.

Bài viết xin chia sẻ với bạn những là sai lầm của những Tân binh mới vào nghề, hi vọng bạn sẽ tìm cách đối diện hoặc không xa vào vết xe đỗ của những người đi trước, trong đó có tôi.

1. Sử dụng email cá nhân làm địa chỉ doanh nghiệp: Chúng ta thường hay sử dụng email cá nhân của mình để gửi thư từ đến nhiều người, kể cả khách hàng. Tối kỵ nhất là những người hành nghề chuyên nghiệp nhưng email lại không hề chuyên nghiệp tí nào, ví dụ: mr.handsome@gmail.com hay kha.ngo.nlp@yahoo.com… điều này không thể hiện bạn là một người có uy tín và sự chuyên nghiệp trong kinh doanh. Đừng để khách hàng của bạn thấy hình ảnh nghiệp dư bằng việc sử dụng một email cá nhân.

Chi phí cho một email dạng doanh nghiệp như info@ngoduykha.com không hề tốn kém, bạn dễ dàng tìm được một lập trình viên giá rẻ để có tên miền tương tự như trên, hoặc nếu bạn giỏi công nghệ, có thể tự tìm cách tạo cho mình với những hệ thống miễn phí. Hãy chuyên nghiệp bắt đầu từ việc truyền thông với khách hàng.

2. Bắt đầu xây dựng website trước khi bạn sẵn sàng hoặc sau một thời gian quá dài. Một email chuyên nghiệp là điều bắt buộc, chúng ta vừa trao đổi ở trên. Nhưng một website thì lại cần đúng thời điểm.

Theo kinh nghiệm của tôi, hãy bắt đầu bằng một mạng xã hội. Hãy bắt đầu những bài viết bạn tự tin nhất trên một mạng xã hội. Để làm gì, đơn giản, bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ những người bạn xung quanh, đây là cách tuyệt vời để bạn biết mình sẽ viết gì cho website của mình.

Ngoài ra, cũng lưu ý rằng, bạn sắp sửa tạo ra một trang thông tin đại diện cho bạn hoặc doanh nghiệp của bạn. Vì vậy, nếu bạn chỉ tạo ra nó và bỏ “lên mốc” hàng tháng trời không vào chăm sóc, hoặc cả năm chẳng hề có bài viết hoặc chỉnh sửa gì mới mẻ. Hay tệ hơn, website của bạn lại trái ngược hoàn toàn với những gì bạn muốn truyền thông ra bên ngoài, thì đó là một sự tai hại vô cùng lớn! Tôi biết một coach tân binh, định vị mình sẽ làm việc trong phân khúc mối quan hệ và hạnh phúc gia đình, nhưng hình ảnh chính trên trang của anh ấy là một cái cây không lá, trong một mùa đông lạnh lẽo… Nghe rất ngớ ngẩn phải không?

Hầu hết các Coach thành công đều mất từ 01 đến 03 năm để có website đầu tiên. Dành thời gian để hiểu về doanh nghiệp của bạn, khách hàng của bạn và cách để truyền thông với họ cũng như cách thức truyền thông. Chọn đúng thời điểm cần làm và đừng vội!

3. Nghỉ việc cũ sai thời điểm. Tôi cũng như nhiều bạn ở thế hệ tôi mắc sai lầm này nhiều nhất. Nhiều học viên tham gia khóa học và cảm thấy được truyền động lực và thế là họ quyết định nghỉ công việc hiện tại. Và bản thân tôi cũng mất gần 1 năm mới có thể bình ổn tâm trí và tập trung hoàn toàn cho nghề mới.

Bài học tôi nhận ra được là, Coach nên dành từ 3 tháng đến 3 năm để thuần thục kỹ năng coach của mình. Với 120 giờ coach đầu tiên, mất từ 6 tháng đến 1 năm, một khoảng thời gian khá dài để thực hành mà có thể bạn không nhận được thu nhập nào từ coaching. Hãy cân đối công việc và cho mình một cuộc sống không lệ thuộc vào tài chính, lúc ấy bạn mới có thể chuyên tâm trao giá trị cho khách hàng của mình thật lòng mà không bị tiền bạc chi phối.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc không phải lo lắng về tài chính cũng “giết chết” nhiều coach tân binh mới ra nghề, vì mãi 6 tháng đến 1 năm không có bất kỳ khoản thu nào từ coaching cũng khiến nhiều người nản lòng và bỏ cuộc. Người không quá lo lắng về tài chính, theo kiểu “làm cũng được, không làm cũng không sao” vì đã có công việc khác nuôi sống thì cũng khó mà kiên trì. Vì bản thân tôi là người nghỉ việc trước thời điểm có thu nhập, nên động lực rất lớn, tôi đã “đốt chiếc thuyền” đưa mình về công việc cũ thì chỉ có cách là tiến về phía trước.

Vậy nên, bạn là người biết rõ nhất về hành trình đi từ hòn đảo hiện tại (công việc hiện tại) đến hòn đảo mới, nhiều khám phá mới mẻ. Việc có ở lại hòn đảo mới bao lâu là do bạn, việc “đốt thuyền” chỉ dành cho người liều lĩnh.

4. Không tìm cho mình một coach. Làm thế nào bạn có thể được gọi là một coach khi bạn chưa bao giờ được coach? Thêm nữa, làm thế nào bạn biết mình sẽ giỏi hơn những tân binh khác khi bạn chỉ làm việc với những tân binh, hay những khách hàng không biết gì về coach?

Bài học xương máu này, tôi cũng mất 3 năm trải nghiệm: “Nhất đắc sư, Nhì khổ luyện“. Nếu bạn không có một người thầy giỏi thì chắc chắc bạn phải khổ luyện, nhưng sự khổ luyện phải đúng hướng. Sẽ thế nào nếu đi nhanh và siêng năng, nhưng lại sai hướng?

Bạn cần một người coach hay một người cố vấn trong lĩnh vực coach (mentoring coach). Hãy suy nghĩ về điều này như một sự đầu tư kinh doanh.

5. Không cập nhật kiến thức liên tục. Chúng ta đang sống trong thời đại số, thông tin đang trở nên quá tải và dư thừa trong cuộc sống này, bạn có thể nhận thấy có quá nhiều thứ để tìm hiểu và quá nhiều thứ không cần tìm hiểu những vẫn xuất hiện khắp mọi nơi – nhờ mạng xã hội.

Một người coach không thể trở thành một người coach giỏi khi không tự đào sâu kiến thức cho mình. Tư duy “tôi biết rồi” là con đường nhanh nhất dẫn đến phá sản trong kinh doanh. Học đúng nguồn quan trọng hàng ngàn lần học đúng cách, bạn sẽ không học được gì từ mạng xã hội, nơi ai cũng có thể nói ra quan điểm của mình (sẽ có thể nếu bạn có sự chọn lọc kỹ lưỡng) hoặc từ những sản phẩm thị trường đang bán tháo khắp mọi nơi (ebook miễn phí…).

Việc học chân chính đến từ những người được đào tạo có hệ thống và liên tục cập nhật kiến thức với người đào tạo ra họ và người đào tạo ra họ cũng liên tục được đào tạo bởi người đào tạo trước đó. Cập nhật kiến thức và được đào tạo từ một người đào tạo chân chính giúp bạn đi đúng hướng trên con đường học tập của mình, giúp bạn có những lựa chọn thông minh hơn và đóng góp vào sự thành công của bạn. Các coach được đào tạo và kèm cặp thường xuyên có ít khả năng bỏ nghề hơn những người tự mình xoay chuyển.

Trên là 5 Sai lầm ngớ ngẩn nhất mà một người coach có thể mắc phải, hãy nhanh chóng hoàn thiện chính mình từ những điều trên. Tôi hi vọng bạn sẽ nhanh chóng bắt nhịp trên hành trình trở thành người hành nghề chuyên nghiệp.

Ngoài ra, nếu bạn thấy những kinh nghiệm của tôi có giá trị và cho phép tôi đồng hành cùng bạn để hoàn thiện 5 điều trên, hãy nhanh chóng email cho tôi: info@ngoduykha.com. Tránh được vết xe đỗ và mô phỏng người đi trước là con đường ngắn nhất dẫn đến sự thành công của bạn.

Trân trọng!

(Bài viết thuộc bản quyền của www.ngoduykha.com, vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

- Quà tặng Miễn Phí -spot_img

BÀI VIẾT MỚI NHẤT