Một góc nhìn về “Cái tôi”
Bắt đầu đi sâu vào “bản tính” con người là lúc bạn bắt đầu “lật” hết tất cả các thứ mà chúng ta thường nhầm tưởng là mình, xem rõ chân dung nó thế nào, nó có phải là vai diễn của tôi, hay cảm xúc của tôi, thân thể của tôi hay suy nghĩ hiện tại là của tôi?

Đại thi hào Shakespeare từng nói: “Cuộc đời này là một vỡ kịch, chúng ta là những diễn viên xuất sắc nhất”. Vì vậy, nói đến vai diễn là nói đến các khía cạnh trong cuộc sống mà chúng ta lầm tưởng là mình – tôi là người sếp gương mẫu, nhân viên giỏi, người cha cao quý, người con hiếu thảo… tất cả chỉ là vai diễn.
Từng lớp lần lượt như vậy được thể hiện rất xuất sắc trong tác phẩm “Gặp lại chính mình” của tác giả Trương Đức Phân, lớp bên ngoài cùng chính là Vai diễn, kế đến là Thân thể, Cảm xúc, Tư tưởng và lớp sâu nhất là Cái tôi hay Chân ngã.
Nhưng không cái nào là “mình” cả!
Vậy để hiểu rõ về bản thân, bài viết hôm nay tôi sẽ trình bày cái hiểu biết trước nhất về cái tôi là gì?
Cái tôi là một phạm trù mang đặc điểm cá nhân, thể hiện những đánh giá về bản thân dưới ảnh hưởng của bối cảnh xã hội.
Khái niệm cái tôi bao gồm một tổ hợp có một không hai các đặc trưng thể chất và tâm lí của một cá nhân trong điều kiện, hoàn cảnh xã hội xác định cụ thể.
Khái niệm cái tôi bao hàm một cách nhìn hai chiều cạnh: Chiều cạnh cá nhân mà mỗi người tự bày tỏ mình là ai (hay còn gọi là cái tôi cá nhân) và chiều cạnh xã hội được xác định bởi các quy tắc, chuẩn mực mà cá nhân khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội họ phải thực hiện các vai xã hội như mọi người mong đợi (hay còn gọi là cái tôi xã hội). Hai chiều cạnh này thống nhất biện chứng với nhau trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người.
Khái niệm cái tôi được phát triển từ sự so sánh xã hội, so sánh với người khác. Chúng ta thì so sánh mình với “những người quan trọng khác”. Khi cá nhân soi mình vào người khác để nhận biết bản thân và hành xử theo sự chờ đợi của xã hội thì ta gọi là “Cái tôi lăng kính”.
Như vậy, sự tìm kiếm hình ảnh bản thân trong quá trình trưởng thành của cá nhân phụ thuộc vào đánh giá của những người xung quanh, đặc biệt là những người mà cá nhân cảm thấy có giá trị với mình. Ví dụ, phụ nữ đánh giá bản thân mình thông qua “Cái tôi lăng kính” của nam giới. Có không ít phụ nữ cảm thấy không hài lòng với bản thân, họ luôn tự trách mình chỉ vì trong con mắt của nam giới họ trở nên “béo quá”, hay “thiếu nữ tính”! Như vậy, thông qua kinh nghiệm của bản thân, đặc biệt là ảnh hưởng của người khác mà cá nhân nhận ra mình: Tôi là ai? Tôi sẽ là người như thế nào? Họ muốn tôi là người như thế nào?…
Hình ảnh bản thân là cách mỗi người hình dung mình là người như thế nào. Sự hình dung về hình ảnh bản thân thường liên quan đến việc cá nhân xem xét ý nghĩ và thái độ, các giá trị cũng như việc chấp nhận về diện mạo bên ngoài của mình. Điều này liên quan đến sự tự ý thức của mỗi người.
Theo các nhà tâm lí học, hình ảnh bản thân là những giá trị mà chúng ta nghĩ về bản thân và cách chúng ta sống với nhận thức rằng đó là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng cuộc sống của mình.
Hình ảnh bản thân bị quy định bởi người khác – bởi chuẩn mực xã hội.
Hình ảnh bản thân còn phụ thuộc lớn vào kì vọng của mỗi người.
Hình ảnh bản thân có ảnh hưởng đến tính chất quan hệ của cá nhân. Một thái độ tiêu cực về bản thân sẽ khiến cá nhân lí giải tiêu cực với các tác động bên ngoài.
Ngoài ra, hình ảnh bản thân còn bị ảnh hưởng bởi giới tính.

Như vậy, cái tôi là một hình thức được hình thành trong cuộc sống khi ta tương tác với xã hội, nó thật sự không phải là ta. Nó không mang nghĩa tích cực cũng như tiêu cực. Nhưng sẽ tiêu cực nếu con người nhầm tưởng Cái nhìn nhận của người khác là ta, từ đó có những suy nghĩ lệch lạc và chuốc lấy đau buồn.
Hiểu về cái tôi là bước đầu tiên của sự thay đổi, hiểu được Cái tôi hình thành thế nào và từ đó giải quyết những rắc rối mà nó mang đến.
Hẹn gặp các bạn trong bài viết tiếp theo. Cái tôi ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, những điều tiêu cực nào mà bạn đang phải gánh lấy từ cái tôi của mình.
(Bài viết thuộc bản quyền của www.ngoduykha.com, vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép)
Tài liệu tham khảo:
- Shakespeare Wikipedia – en.wikipedia.org/wiki/William_Shakespeare
- Gặp lại chính mình – Trương Đức Phân
- Giáo trình Tham vấn Trị liệu – PGS.TS. TRẦN THỊ MINH ĐỨC