“Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng bước chân đầu tiên” – Khổng Tử.
Bây giờ là 1h10 phút sáng, nhắm mắt lại nhưng không tài nào ngủ được, tôi lọ mọ ngồi dậy mở máy tính và bắt đầu viết, viết về cuộc đời mình, viết về những đam mê tưởng chừng như vô hình ở phía xa xôi cuối con đường cuộc đời. Bất thần tôi dừng lại vài giây, tại sao chúng ta lại hay mông lung về những điều xảy ra trong cuộc sống, tại sao ta không tiến lên, tại sao có người ngã ngụy. Và rồi câu trả lời hiện ra trước trang giấy được che lấp bên dưới một mẩu giấy có đề “sức mạnh của những mục tiêu”. Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu chính là bước đầu tiên cho mọi thắng bại trong cuộc đời.
Nói đến hai chữ “mục tiêu” sẽ có rất nhiều người nghĩ rằng đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống, ai cũng phải có và mình biết rõ về điều này. Nhưng thưa bạn, theo một nghiên cứu của một công ty MLM (Bit Kingdom) tại Việt Nam chúng ta, chỉ có 5% dân số biết rõ điều mình mong muốn là gì. Và một điều thú vị là 5% dân số ấy lại chiếm gần như 95% tài sản của toàn thế giới.
Bạn đã từng nghe câu chuyện về một nghiên cứu của đại học YALE?

Vào năm 1953, Trường Đại học Yale (một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ) đã khảo sát ý kiến của khóa sinh viên sắp tốt nghiệp: “Họ có những mục tiêu cụ thể nào về những gì họ muốn đạt được sau khi tốt nghiệp”
Ngạc nhiên thay, chỉ có 3% trong tổng số sinh viên viết ra được những mục tiêu của họ. Những sinh viên này biết rất rõ là họ muốn có công việc như thế nào, họ muốn kiếm bao nhiêu tiền và họ khao khát những thành công nào. Họ còn thiết kế cuộc sống mơ ước của họ trong vòng 15-20 năm tới. Ngược lại, 97% số sinh viên còn lại không hề có mục tiêu nào cả. Họ bỏ mặc mọi thứ cho số phận với thái độ “chuyện gì tới sẽ tới”
20 năm sau, vào năm 1973, một cuộc khảo sát tiếp tục được thực hiện trên những sinh viên kể trên. Kết quả cuộc khảo sát này thật đáng kinh ngạc. Tổng thu nhập của 3% số sinh viên, những người đã xác định mục tiêu trước đó, đạt gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% số sinh viên còn lại, những người không xác định mục tiêu. Nói cách khác, trung bình mỗi sinh viên xác định mục tiêu có thu nhập cao gấp 97 lần thu nhập của mỗi sinh viên không xác định mục tiêu
Điều gì tạo nên sự khác biệt? Chắc chắn không phải do kiến thức của họ vì tất cả cùng tốt nghiệp trường danh tiếng. Sự khác biệt chính là ở sức mạnh của mục tiêu.
Một người bạn của tôi là luật sư chia sẻ, nếu Hành động = Kết quả, vì khi biết điều mình thật sự mong muốn là gì, hành động của ta sẽ dẫn ta đến kết quả đó, dù ta có ý thức về nó hay không, các chuỗi hành động đều sẽ hướng về kết quả khi mong muốn đó đủ lớn. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống ngày kia, có bao nhiêu con người đang làm việc lại chọn kết quả đầu tiên (họ biết họ mong muốn điều gì trước khi bắt đầu làm), thật sự quá ít. Ngoài cuộc sống, cụ thể là ở Việt Nam, có quá nhiều người sáng thức dậy đi làm, tối về nhà mệt mỏi mà không hề biết được cuộc sống mình đi về đâu, tại sao mình lại làm việc này, liệu mình có nên tiếp tục hay chuyển sang ngành khác…
Khi tôi huấn luyện (coach) cho khách hàng, tôi chợt nhận ra, số lượng giới trẻ Việt Nam mất định hướng hoặc không được định hướng là rất nhiều, nếu ta nhìn thấy ngày nay, số lượng sinh viên, cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp với một con số đáng báo động (178.000 người năm 2015) chúng sẽ tự hỏi mình rằng, mình đã sống với điều mình mong muốn hay chưa? Đang đi tìm hay vẫn bơ vơ?
Trong NLP, Mục tiêu được định nghĩa như là ôxy cho những giấc mơ của bạn, nhờ có mục tiêu, ta tiến về phía trước, mục tiêu là bước đầu tiên trong cuộc hành trình cuộc đời và là thứ còn lại chúng ta có mỗi khi tiêu cực. Đó là quá trình quyết định những gì chúng ta muốn và chỉ rõ làm thế nào ta đạt được nó.
Nếu chúng ta là mũi tên sắc nhọn và mục tiêu của mình là đích đến. Nếu không biết đích đến của mình là đâu, thì dù cho mũi tên kia có nhọn, cánh cung kia có căng thì chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới đích đến cuối cùng, ta sẽ bay đến những nơi mình không hề mong muốn, thậm chí kết thúc cuộc đời ở nơi mình bỏ lỡ những điều mình chờ mong.

Bậc thầy bán hàng Zig Ziglar có nói “Nếu bạn không hướng vào thứ gì, bạn sẽ đâm đầu vào mọi thứ”. Nếu không có mục tiêu, bạn sẽ rơi vào những cám dỗ cuộc đời, rơi vào kế hoạch của người khác và giúp người khác xây dựng ước mơ, còn bản thân mình về đâu vẫn mãi là hàm số không tìm được lời giải.
Đọc đến đây chắc bạn sẽ tự hỏi, nếu không có mục tiêu làm sao mình vẫn thấy bình thường. Thật ra mục tiêu cũng chỉ là một phần trong hàng nghìn thứ đang diễn ra xung quanh bạn, nếu bạn sống mà không cần mục tiêu cũng chẳng sao, bởi lẽ không phải tuyệt đối 100% mọi người luôn cần mục tiêu. Có rất nhiều người hài lòng với từng khoảnh khắc cuộc sống, đạt được một mức độ thoải mái về tài chính và chỉ số hạnh phúc gia đình hôn nhân, thì đối với họ, mục tiêu không cần nữa. Cuộc sống đã đủ đầy.
Nhưng bạn tôi, nếu bạn là người cầu tiến và khao khát sự thành công thì mục tiêu chính là điều đầu tiên bạn cần và có ngay bây giờ, nghĩ đến nó và biến nó thành hiện thực chính là một sự dấn thân đầy thử thách và hấp dẫn trong cuộc đời mỗi con người.
Vậy, một mục tiêu bạn đã biết tại sao phải cần nó, chúng ta sẽ tìm hiểu câu hỏi tiếp theo “nó quan trọng như thế nào?”
Sự quan trọng của mục tiêu
Mục tiêu tạo cho bạn sự tập trung cao độ khi hành động, như đã đề cập, nếu bạn bắn ra rất nhiều tên nhưng laị không có bia, bạn sẽ ngắm vào đâu?
Đầu năm 2016, tôi có cơ hội làm việc với một người anh đang làm Giám đốc cho một công ty Bất động sản ở Hà Nội vào miền nam công tác. Khi ấy, chúng tôi hợp tác nhau cùng tổ chức chương trình Ngày hội hàng hiệu (là nơi quy tụ những thương hiệu thời trang với nhau và kết nối khách hàng đến tiêu dùng). Khi ấy chúng tôi đặt mục tiêu là trong chưa đầy 01 tháng sẽ kết nối với gần 30 nhãn hàng thời trang. Và một hành động của vị Giám đốc kia đã làm tôi nhớ đến tận bây giờ.
Để tập trung vào việc tổ chức thành công, anh ta đã đặt cọc tại địa điểm tổ chức toàn bộ số tiền gần 30 triệu đồng và nhiệm vụ của chúng tôi “bắt buộc” phải thực hiện thành công chương trình Hội chợ này. Chính áp lực của sự thành công cùng mục tiêu phải mang đến Hội chợ 30 doanh nghiệp cùng 1000 lượt tham gia của du khách khiến chúng tôi phải hết sức tập trung cho những gì chúng tôi làm.
Bạn biết không, khi đó sự thôi thúc của những mục tiêu chính là động lực duy nhất buộc chúng tôi phải thành không và không thể dừng lại trước khi chương trình diễn ra.
Thật kỳ diệu, ngày chương trình được tổ chức, chúng tôi đã tìm vượt số lượng đặt ra và tổ chức chương trình một cách thành công. Nếu không có mục tiêu thì có lẽ tôi đã không quyết tâm làm nó đến cùng.
Hay một câu chuyện mang tên “Đốt thuyền” mà tôi vô cùng yêu thích có nội dung như sau:

Năm 1519, một người đàn ông phi thường đã dong buồm trong chặng đường cuối cùng của chuyến đi từ bờ biển Cuba tới bán đảo Yucatan. Đoàn của ông gồm 11 con tàu, 500 quân lính, 100 thủy thủ và 16 con ngựa. Mục tiêu đã rõ ràng: Chiếm lấy kho báu giàu có nhất thế giới.
Kho báu đó là vàng, bạc, đồ cổ và đá quý. Chúng được một đội quân nắm giữ suốt 600 năm nay. Kho báu này không phải là một bí mật. Tất cả mọi người trên thế giới này đều biết về kho báu này bởi hết đội quân này đến đội quân khác đã cố gắng chiếm đoạt nó. Hết vị hoàng đế này đến vị hoàng đế khác đã đem quân nhằm chiếm lấy kho báu này, nhưng không ai có thể làm điều đó trong suốt 600 năm qua.
Hernando Cortez cũng là một kẻ đi chinh phục kho báu. Ngày nay, hành động này có vẻ không đúng đắn về mặt chính trị, nhưng vào thời ấy, nó đơn giản là một công việc.
Cortez biết có rất nhiều kẻ chinh phục khác đã cố gắng chiếm kho báu nhưng đều thất bại. Ông tập hợp một đội quân có tinh thần tận tụy trên mức bình thường. Thay vì thu nhận hết những người đã đăng ký, trước tiên, ông phỏng vấn họ. Ông nói với họ về kho báu, họ sẽ có cuộc sống ra sao khi chiếm được kho báu, gia đình họ và thế hệ tương lai của họ sẽ như thế nào khi họ có được kho báu đó. Thậm chí, ông còn tưởng tượng ra giờ phút họ đặt được tay lên kho báu. Ông chỉ ra cho mọi người mục tiêu của cuộc chinh phục, điều đó khiến họ cam kết làm việc tận tụy hết mình và lên đường.
Khi đã được nửa hành trình, Cortez gặp phải một vấn đề. Rất nhiều quân lính và thủy thủ ban đầu hừng hực khí thế giờ quay sang than vãn:
“Ngài Cortez… chúng tôi không chắc chắn mình có nên tiếp tục chuyến đi này không?” hay “Đó không phải là điều chúng tôi mong muốn…”
Khi họ đến bán đảo Yuncatan, Cortez tập hợp tất cả mọi người lại trên bãi biển. Ông nói: “Các bạn đã đến đây và chúng ta sẽ tới kho báu. Khi những mũi tên này được bắn lên, hãy gặp tôi ở gốc cây dừa này… chúng ta sẽ ra khỏi đây.”
Sau đó, ông nghiêng người và nói: “Hãy đốt những chiếc thuyền này đi”.
“Sao cơ?!” họ hỏi với vẻ mặt đầy nghi hoặc.
Cortez nhắc lại: “Hãy đốt những chiếc thuyền này đi. Nếu chúng ta trở về nhà, Chúng ta sẽ trở về trên những con thuyền của chúng.”
Và tuân theo lệnh của vị lãnh đạo, họ đã đốt những chiếc thuyền của chính mình.
Và điều phi thường đã xảy ra. Họ đã chiến đấu thực sự tuyệt vời. Lần đầu tiên trong 600 năm, kho báu đó đã bị họ chinh phục.
Tại sao họ làm được vậy? Bởi vì lựa chọn của họ là có được kho báu… hoặc là chết.
Hầu hết mọi người thất bại ở những việc họ đang cố gắng làm bởi vì họ có trái tim không kiên định. Thành công đòi hỏi sự ổn định về tình cảm và tinh thần của một trái tim kiên định. Khi phải đối mặt với những thách thức, một trái tim kiên định sẽ giúp tìm ra được giải pháp. Một trái tim không kiên định chỉ cố gắng tìm ra một lối thoát mà thôi.
Mục tiêu giúp bạn vượt qua sự trì hoãn.
Có người từng hỏi tôi “theo anh, công việc yêu thích là thế nào?”, tôi đáp “có người từng bảo tôi, nếu bạn chọn công việc mình yêu thích, bạn sẽ không phải làm việc ngày nào nữa”, công việc yêu thích là công việc giúp chúng ta bật dậy mỗi sáng sớm, tràn trề năng lượng mỗi khi thực hiện nó, vực ta dậy mỗi khi chán nản đường cùng, là suy tư mỗi khi rảnh rỗi, là niềm hân hoan mỗi khi kết thúc ngày. Mục tiêu cũng vậy, nếu cuộc sống gặp nhiều khó khăn thì mục tiêu chẳng khác nào kim chỉ nam dẫn ta đến hành động, cho ta nguồn năng lượng để thực hiện những điều không tưởng khi ta tin. Giúp ta từ một con người bình thường trở nên vĩ đại.
“Người không có mục tiêu cũng giống như con tàu không có bánh lái” – Thomas Carlyle.
Khi bạn đặt mục tiêu cho bản thân mình, bạn sẽ tự chịu trách nhiệm để hoàn thành công việc. Tiềm thức con người là một kho báu vĩ đại nhất hành tinh mà con người vẫn đang khai thác, chưa có công bố khoa học nào chứng minh rằng con người sử dụng toàn bộ não của mình. Albert Einstein và Dale Carnegie cũng từng thốt ra rằng “con người chỉ dùng 10% não bộ”. Việc đặt ra một mục tiêu và cam kết thực hiện nó chắc chắn sẽ dẫn bạn đến những cánh cửa của việc đạt được nó một ngày không xa.
Mục tiêu tạo cho bạn động lực.
Gốc rễ của mọi nguồn động lực và cảm hứng bạn có trong cuộc sống đến từ những mục tiêu. Đặt mục tiêu cung cấp cho chúng ta nền tảng cho mọi chuyến đi. Sự khao khát đạt được sẽ thôi thúc ta hàng ngày, thường xuyên nghĩ về các mục tiêu sẽ khiến ta dần dần rút ngắn khoảng cách đến chúng. Và từ đó, việc đạt được sẽ là một quá trình không-xa-xôi cho những ai thật sự nghiêm túc về cuộc đời mình.
Một nghiên cứu thú vị từ nhà khoa học Christopher Wanjek đã chỉ ra trong cuốn sách “Bad Medicine” xuất bản vào năm 2005 của ông, nếu loài người chỉ cần đến 10% não bộ để vận hành, quá trình tiến hóa chắc chắn sẽ tìm cách đào thải 90% “vô dụng” còn lại. Lý do rất đơn giản: bộ não tuy chỉ chiếm 5% cân nặng của cơ thể, nhưng nó tiêu tốn đến 20% tổng số năng lượng. Một bộ máy đòi hỏi tiêu tốn một nguồn năng lượng vô cùng lớn, nhưng lại chỉ vận hành với hiệu suất 10%? Đây là một điều không thể chấp nhận được với chọn lọc tự nhiên.
Nếu bạn không biết mình muốn gì, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có được nó. Não bộ con người là một cỗ máy thần kỳ, nó luôn có nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi từ nó, nếu không sử dụng chúng, tài nguyên tiêu hao là chuyện không thể tránh khỏi. Khi lao đầu vào những thứ không giúp ích cho cuộc sống, bạn dần mất năng lưc về chúng, khiến việc dẫn đến sống cuộc sống mình mong muốn trở nên không tưởng, quá mơ hồ. Mỗi ngày trôi qua, bạn lại tự hỏi mình, mình sống trong cuộc đời này để làm gì?

Hết phần 1.
Tác giả: Ngô Duy Kha